Đi bộ là một môn thể dục có nhiều lợi ích cho sức khỏe, dường như mọi lứa tuổi đều có thể thực hiện, tuy nhiên chuyên gia cho biết có những người chống chỉ định với việc đi bộ.

Bệnh khớp đang ngày càng trẻ hóa

Nhiều người cho rằng bệnh xương khớp thường chỉ gặp ở người cao tuổi, PGS Nguyễn Mai Hồng - nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết điều đó là đúng nhưng chưa đủ, bởi hiện nay bệnh thoái hóa khớp gặp nhiều ở người trẻ.

Trong điều kiện thời tiết lạnh như hiện nay, bệnh lý về cơ xương khớp lại càng gia tăng vì bệnh nhân ít vận động, thời tiết lạnh khiến hiện tượng co cơ, dịch khớp bị đặc lại khiến cho hiện tượng đau khớp tăng.

Nguyên nhân khiến người trẻ gia tăng bệnh thoái hóa khớp, PGS Mai Hồng cho rằng do tư thế ngồi tĩnh nhiều, ít vận động khiến cho dịch khớp không lưu thông, tái tạo mới, dây chằng xung quanh cứng lại.

Bệnh khớp đang ngày càng trẻ hóa

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng ăn kiêng giữ dáng, ăn không cân đối khiến cho cơ thể không đủ chất giảm thành phần trong dịch khớp… “Ít vận động, dinh dưỡng kém là 2 nguyên nhân khiến cho bệnh lý này đang mắc tăng ở người trẻ”, PGS Hồng nói.

Biểu hiện của thoái hóa khớp đó chính là tiếng lục cục của khớp, nhưng nhiều người chủ quan. Nguyên nhân là do chất nhờn dịch khớp giảm, sụn khớp giảm, các đầu xương cọ vào nhau sẽ tạo ra tiếng lục cục, lạo xạo. “Khi có biểu hiện này cần phải đi khám sớm để có hướng điều trị kịp thời", PGS Mai Hồng khuyên.

Thoái hóa khớp nhưng vẫn đi bộ nhiều khiến bệnh trầm trọng hơn

Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc đi bộ thể dục 30 phút mỗi ngày sẽ làm giảm nguy mắc bệnh tim mạch vành đến 19%. Ngoài ra, đi bộ thường xuyên còn làm giảm huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ, kéo dài tuổi thọ… Nhìn chung đi bộ được khuyến cáo là tốt cho sức khỏe.


Ngoài thoái hóa khớp tuyệt đối không đi bộ.

PGS Nguyễn Mai Hồng - nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết việc đi bộ là tốt tuy nhiên một số người lại không nên đi bộ vì làm tình trạng bệnh nặng thêm. Đó là những người đang điều trị thoái hóa khớp hoặc đang bị tràn dịch khớp.

Qua thực tế thăm khám, PGS Mai Hồng gặp không ít trường hợp bị thoái hóa khớp nhưng vẫn đi bộ thường xuyên vì cứ nghĩ đi bộ tốt cho khớp, cải thiện được bệnh. “Đây là một sai lầm nghiêm trọng khiến cho bệnh càng nặng thêm”, PGS Mai Hồng nhận định.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, trong quá trình đi bộ toàn bộ trọng tải của cơ thể sẽ đè nén lên các sụn khớp đã bị thoái hóa sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương, gây ra hiện tượng viêm khớp, đau nhiều hơn. Nếu bệnh nhân càng đi nhiều sẽ càng làm khớp mòn thêm.

Đặc biệt với những người có trọng lượng cơ thể lớn, ở người thừa cân béo phì có kèm theo thoái hóa khớp mà đi bộ nhiều thì tình trạng càng trở nên nặng nề hơn. Chính vì vậy khi điều trị thoái hóa khớp ở những người béo, giảm cân là chỉ định đầu tiên để điều trị.

Bác sĩ Mai Hồng khuyến cáo, thay vì đi bộ những người bị thoái hóa khớp có thể thể dục bằng cách đạp xe, bơi lội như vậy sẽ làm giảm áp lực vào các sụn khớp, hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp được tốt hơn.

Không phải ai viêm khớp cùng chườm nóng được

Hiện nay có nhiều người bị viêm khớp dù ở trong trường hợp nào cũng áp dụng phương pháp chườm nóng vì cho rằng việc làm này sẽ giảm đau nhanh chóng. PGS Nguyễn Mai Hồng cho biết việc chườm nóng với người bị viêm khớp thì phải tùy vào từng trường hợp.

“Với những người bị thoái hóa khớp có thể có chỉ định chườm nóng. Tuy nhiên với những người bị viêm khớp dạng thấp hoặc gout không nên chườm nóng. Nguyên nhân là do làm kích thích tăng sinh các mạch máu gây viêm nặng hơn, những người này cũng không nên bôi thuốc làm nóng tại khớp vì cũng gây kích thích viêm.

Ngoài ra, khi bệnh nhân đang có viêm khớp, tràn dịch, nóng đỏ thì chống chỉ định với chườm nóng, hoặc bôi thuốc điều trị làm nóng tại khớp”, PGS Mai Hồng cho hay.

Đối với người bị thoái hóa khớp cần điều trị sớm và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân thoái hóa khớp không nên tự đi mua thuốc uống (bắc, nam) có chứa corticoid. 

Loại thuốc này có tác dụng giảm đau tốt nhưng để lại các tác dụng phụ rất nguy hiểm như gây tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường, phù toàn thân…

Để phòng thoái hóa khớp, TS. Mai Hồng khuyến cáo:

  • Mọi người nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn đủ canxi; 
  • Tập những bài tập phù hợp với bệnh nhân để làm chắc những cơ quanh khớp, tránh những quá tải lên khớp, tránh động tác mạnh thay đổi đột ngột làm chấn thương khớp;
  • Cần đi khám khi thấy dấu hiệu lục cục khớp;
  • Không tự ý dùng thuốc, không sử dụng các loại lá cây, bài thuốc gia truyền trị thoái hóa khớp.

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/di-bo-tot-cho-suc-khoe-nhung-nguoi-mac-benh-nay-can-han-che-keo-hong-het-xuong-khop-d262713.html, https://eva.vn/suc-khoe/di-bo-tot-cho-suc-khoe-nhung-nguoi-mac-benh-nay-can-han-che-keo-hong-het-xuong-khop-c131a461810.html